Các quyết định gây tranh cãi của Sir Jim Ratcliffe, đặc biệt là tăng giá vé sân nhà, không chỉ khiến cổ động viên Manchester United phẫn nộ mà còn đẩy đội bóng lún sâu vào cuộc khủng hoảng niềm tin với chính người hâm mộ trung thành.
Tuần trước, Manchester United thông báo tăng giá vé sân nhà lên 66 bảng Anh mỗi trận, không áp dụng ưu đãi cho trẻ em hay người cao tuổi. Thông báo này ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các cổ động viên, những người từng coi Sir Jim Ratcliffe như “vị cứu tinh” của đội bóng.
Trong chiến thắng 4-0 trước Everton cuối tuần qua, hàng trăm cổ động viên đã biểu tình bên ngoài sân Old Trafford. Họ hô vang thông điệp phản đối Sir Jim Ratcliffe và yêu cầu ông bán lại đội bóng. Những hành động này phản ánh sự thất vọng tràn trề, khi các cổ động viên cảm thấy họ không còn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của đội bóng.
Manchester United giải thích trong email gửi đến người hâm mộ rằng việc tăng giá vé là một phần trong kế hoạch giúp đội bóng đạt được tình trạng tài chính bền vững hơn. Email nêu rõ:
“Là một câu lạc bộ, chúng tôi tập trung vào việc tiết kiệm chi phí để có nền tảng tài chính vững chắc hơn. Điều này có nghĩa là đưa ra những quyết định rất khó khăn, bao gồm cả việc cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên".
Tuy nhiên, quyết định tăng giá vé đã bị nhiều người xem là một hành động thiếu cân nhắc, khiến fan cảm thấy như bị phản bội. Carly Lyles - một người hâm mộ trung thành, chia sẻ trên mạng xã hội:
“Tôi đưa con trai bốn tuổi đến trận đấu, và có lẽ đây sẽ là trận cuối cùng trong một thời gian dài do mức giá tăng cao. Đây chính là những người đang phải trả giá cho những năm tháng quản lý tài chính kém cỏi, không phải các tỷ phú ở Monaco hay Tampa".
Câu chuyện của Carly không phải là duy nhất. Nhiều cổ động viên cho rằng ngay cả gia đình Glazer – những ông chủ bị ghét nhất trong lịch sử đội bóng – cũng chưa từng đưa ra quyết định như vậy.
Kể từ khi trở thành đồng sở hữu Manchester United, Sir Jim Ratcliffe đã thực hiện một loạt thay đổi lớn, bao gồm: Cắt giảm 25% nhân viên hành chính tại Old Trafford, chấm dứt vai trò đại sứ của Sir Alex Ferguson vào cuối mùa giải hay trao hợp đồng mới với mức lương cao hơn cho HLV Erik ten Hag.
Dù các biện pháp này nhằm giảm thiểu thua lỗ – câu lạc bộ đã báo cáo mức lỗ 113,2 triệu bảng Anh vào tháng 6/2024 – nhưng chúng lại khiến hình ảnh của ông xấu đi trong mắt người hâm mộ.
Quyết định tăng giá vé, đặc biệt là không có ưu đãi cho trẻ em hay người cao tuổi, bị coi là “cú bắn vào chân” công khai. Đây là một nỗ lực tài chính ngắn hạn, nhưng lại phá hủy mối quan hệ vốn đã mong manh giữa câu lạc bộ và người hâm mộ.
Khi mua 30% cổ phần Manchester United 11 tháng trước, Sir Jim Ratcliffe được ca ngợi là “hiệp sĩ địa phương” cứu đội bóng khỏi gia đình Glazer. Nhưng giờ đây, ông đang phải đối mặt với những chỉ trích không khác gì những gì Glazer từng nhận.
Trong một cuộc biểu tình gần đây, cổ động viên đã yêu cầu Sir Jim “bán United đi và biến mất”. Niềm tin đặt vào ông dường như đã tan biến. Một cổ động viên chia sẻ:
“Yêu cầu khách hàng trả 66 bảng để xem một buổi giải trí kém chất lượng là một mô hình kinh doanh không thể tồn tại".
Sir Jim Ratcliffe đã cố gắng giải thích lý do đằng sau các quyết định này qua một cuộc phỏng vấn với tờ United We Stand. Tuy nhiên, kết quả cuộc phỏng vấn vẫn chưa được công bố. Liệu những lời giải thích của ông có xoa dịu được làn sóng phản đối hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được.
Sir Jim Ratcliffe cần hiểu rằng người hâm mộ không chỉ là nguồn thu mà còn là linh hồn của đội bóng. Nếu ông tiếp tục những quyết định gây tranh cãi mà không cải thiện hiệu suất trên sân, uy tín của ông sẽ tiếp tục giảm sút.
Cổ động viên Manchester United không cần những lời hứa hẹn hay kế hoạch tài chính, họ cần đội bóng chiến thắng và một tương lai xứng đáng với tên tuổi. Đây mới là cách duy nhất để Sir Jim lấy lại lòng tin và giữ vững vị thế của mình tại Old Trafford.
m