Chính phủ yêu cầu ứng dụng AI vào phát hiện và xử lý vi phạm giao thông

Trang Trang
Thứ năm, 24/04/2025 11:00 AM (GMT+7)
A A+

Sau 3 tháng triển khai Luật TTATGT 2024, các lực lượng chức năng được yêu cầu siết chặt kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát hành trình, nhận diện tài xế, phân tích dữ liệu để xử lý vi phạm theo thời gian thực.

Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm tăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. 

Sau ba tháng đi vào thực tiễn, Luật TTATGT bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt khi góp phần làm giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế rằng trong giai đoạn đầu thực thi, vẫn còn tồn tại hiện tượng chống đối và vi phạm quy định pháp luật.

UngDungAI

Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đồng thời xây dựng một nền văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không vì áp lực dư luận từ một số nhóm cơ hội mà buông lỏng công tác thực thi pháp luật.

Theo chỉ đạo, Bộ Công an giữ vai trò chủ trì trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường hiện diện trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là các lỗi nghiêm trọng như chở quá tải, xe quá khổ, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng,...

UngDungAI-1

Cùng với đó, Bộ Công an cũng sẽ xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán và sử dụng giấy tờ giả, sai phạm trong xây dựng - bảo trì hạ tầng giao thông và các hành vi tiêu cực trong quản lý.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ then chốt trong chỉ đạo lần này. Thủ tướng yêu cầu xây dựng hệ thống dữ liệu về TTATGT đồng bộ và thống nhất, tiến tới số hóa toàn bộ quy trình quản lý như cấp - thu hồi giấy phép lái xe, đăng ký xe, đấu giá biển số,... 

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, hình ảnh tài xế và các trạm kiểm soát tải trọng, từ đó phát hiện và xử lý vi phạm theo thời gian thực.

UngDungAI-2

Về hạ tầng, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, kẻ vạch đường. Đồng thời, siết chặt kiểm soát hoạt động vận tải tại các bến xe, điểm tập kết hàng hóa.Các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm nghiêm trọng sẽ bị thu hồi phù hiệu hoặc giấy phép hoạt động.

Chính quyền các địa phương cũng được yêu cầu vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông.

UngDungAI-3

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt là những vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, qua đó góp phần răn đe và lập lại trật tự trên các tuyến đường.

Góp ý / Báo lỗi
Xem thêm